Hỗ trợ trực tuyến
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 1
Tổng lượt truy cập 15,579
PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
08/02/2017 16:13
Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt. Nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu trên là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục. Trong trường cao đẳng, đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt, cần có biện pháp phát triển để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo.
Bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo ở nước ta
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước ta khẳng định cần thiết phải đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục. Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác như: hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, dạy nghề, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Luật Giáo dục Nghề nghiệp ra đời, có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2015 đã góp phần tạo ra thời cơ cho giáo dục, đào tạo phát triển, tạo ra cơ hội cho trường cao đẳng đảm đương nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, nghề, với nhiều cấp độ, trình độ, kỹ năng, tay nghề. Tuy nhiên, Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã điều chỉnh các trường cao đẳng từ hệ thống giáo dục đại học sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các trường cao đẳng đứng trước khó khăn về phân cấp quản lý, cơ chế quản lý, mô hình hoạt động, mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và điều kiện đảm bảo chất lượng đối với giáo dục nghề nghiệp. Khó khăn lớn nhất đối với trường cao đẳng là những bất cập về quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó bất cập về trình độ theo chuẩn chức danh nghề nghiệp và năng lực thực hiện nhiệm vụ giảng viên, cùng với những hạn chế về kỹ năng, năng lực cần thiết khác của người giảng viên cao đẳng như thực tiễn nghề nghiệp, kỹ năng, tay nghề trước những yêu cầu giảng dạy lý thuyết và thực hành ở bậc cao đẳng trong bối cảnh hiện nay.
Giảng viên và phát triển đội ngũ giảng viên trong trường cao đẳng
Theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp, nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành. Nhà giáo trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên. Như vậy, giảng viên là một chức danh trong trường cao đẳng và đại học. Giảng viên là những nhà giáo giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng có tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Nhà nước nói chung và những quy định đặc thù của từng trường đại học, cao đẳng nói riêng. Giảng viên vừa có chức trách của viên chức sự nghiệp, vừa có chức trách của nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội.
Đội ngũ giảng viên là tập hợp những người làm công tác giáo dục, giảng dạy ở trình độ đại học, cao đẳng có cùng nhiệm vụ là trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy, tham gia quản lý nhằm tác động toàn diện đến người học để thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo là hình thành phát triển nhân cách (phẩm chất, đạo đức và năng lực nghề nghiệp cho người học). Như vậy, đội ngũ giảng viên vừa là đội ngũ nhà giáo vừa là đội ngũ nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục, là lực lượng trụ cột quyết định đến sự tồn tại và phát triển của trường cao đẳng.
Phát triển đội ngũ giảng viên là một phạm trù động phản ánh những biến đổi về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo chiều hướng tích cực. Như vậy, phát triển đội ngũ giảng viên trong trường cao đẳng là tăng tiến về số lượng, cải thiện về cơ cấu và nâng cao về chất lượng. Trên phạm vi vĩ mô, phát triển đội ngũ trong trường cao đẳng là sự phát triển đội ngũ giảng viên một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ, chức danh và năng lực nghề nghiệp giảng viên theo những định hướng phát triển chung, thống nhất của cả hệ thống các trường. Trên phạm vi vi mô, phát triển đội ngũ giảng viên ở mỗi trường cao đẳng là sự tăng tiến về số lượng, cải thiện về cơ cấu, nâng cao về chất lượng đội ngũ giảng viên trong điều kiện cụ thể, theo đặc thù và định hướng phát triển của mỗi trường.
Như vậy, để phát triển đội ngũ giảng viên cần qui hoạch định hướng phát triển, sàng lọc và tuyển chọn, quản lý sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đánh giá thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chế độ chế độ chính sách, kiến tạo môi trường làm việc cho đội ngũ giảng viên. Phát triển đội ngũ giảng viên là một quá trình thay đổi căn bản, toàn diện hướng đến hoàn thiện đội ngũ giảng viên đáp ứng những đòi hỏi và thách thức đối với sự phát triển chung của nhà trường.
Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường cao đẳng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã xác định phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục bao gồm việc đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Các nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, dạy nghề; Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống chức danh nhà giáo và vị trí việc làm; chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Có kế hoạch hành động xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển đội ngũ giảng viên. Rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc, nội dung và hình thức thi, xét, thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm rà soát việc thực hiện qui hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành, nghề và theo trình độ đào tạo phù hợp với qui hoạch phát triển nhân lực quốc gia.
Với các nhiệm vụ đã được xác định ở trên, trường cao đẳng cần phải có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo và khả năng thích ứng với những đổi thay nhanh chóng của cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo cho giáo dục đào tạo phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, mặc dù sản phẩm của giáo dục đào tạo là loại hàng hóa đặc biệt, song cũng tuân theo qui luật cạnh tranh của thị trường. Vì vậy, trường cao đẳng cũng phải quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, làm cho sản phẩm đào tạo của nhà trường phải luôn được xã hội chấp nhận, đây là vấn đề có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các trường cao đẳng.
Những giải pháp cụ thể trong thời gian tới, các trường cao đẳng cần làm để phát triển đội ngũ giảng viên trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo là:
Thứ nhất: Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên. Đây là biện pháp quan trọng nhất vì lập quy hoạch, xây dựng chương trình, kế hoạch tức là soạn thảo và thông qua những quyết định phát triển quan trọng nhất thể hiện ở các chương trình hành động. Lập kế hoạch, xây dựng chương trình xây dựng phát triển đội ngũ giảng viên cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện, công tác phát triển đội ngũ giảng viên qua đó thấy được hoạt động tương tác giữa các bộ phận, nhìn thấy tương lai, có thể ra những quyết định điều chỉnh hoặc điều chỉnh những quyết định trước đó bảo đảm cho công tác phát triển đội ngũ giảng viên hướng vào mục tiêu đã định. Quy hoạch, kế hoạch công tác phát triển đội ngũ giảng viên phải có tầm nhìn xa, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và thực trạng đội ngũ giảng viên để xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch tạo nguồn, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể dài hạn kết hợp với kế hoạch hàng năm bảo đảm cho công tác phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng được cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giảng viên trường cao đẳng. Công tác quy hoạch đội ngũ giảng viên cần được tiến hành bắt đầu từ việc dự báo, xác định quy mô, ngành nghề đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực, phân tích hiện trạng đội ngũ. Từ đó, xác định nhu cầu cần bổ sung, chuyển đổi và tiến hành các biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ. Tuyển chọn giảng viên là một quá trình tìm kiếm, thu hút và khuyến khích các cá nhân có đủ các tiêu chuẩn thích hợp tham gia thi tuyển vào các chức danh giảng viên mà các trường cao đẳng đang cần. Tuyển chọn chính xác giảng viên có đủ phẩm chất, nhân cách, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực sư phạm để trở thành người giảng viên giỏi có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng phát triển đội ngũ giảng viên của trường cao đẳng.
Sử dụng đội ngũ giảng viên tốt, nắm bắt được những ưu, nhược điểm của từng cá nhân trong đội ngũ giảng viên, “sử dụng đúng người, đúng việc” sẽ phát huy mặt mạnh của mỗi cá nhân, giúp cho mỗi giảng viên có sự tự tin vào chính khả năng của mình, giúp cho họ có được bậc thang nhu cầu cao nhất. Ngoài ra, hàng năm các trường phải rà soát đánh giá giảng viên, căn cứ các tiêu chuẩn về trình độ, về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học, chất lượng hiệu quả công việc thực tế, có tính đến môi trường và điều kiện công tác; mức độ tín nhiệm của tập thể đơn vị công tác để từ đó có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với từng vị trí, chức năng nhiệm vụ của mỗi giảng viên, tạo nên sự đồng bộ, hợp lý trong tập thể. Để bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên không thể không quan tâm đến vấn đề đề bạt, bổ nhiệm giảng viên. Đề bạt, bổ nhiệm, phân công giảng viên phải coi trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, uy tín, chức danh, học vị và năng lực thực tế của giảng viên phù hợp với công việc được giao. Từ đó sẽ kích thích được mỗi cán bộ, giảng viên tích cực phấn đấu đạt được các tiêu chí đề ra về chức danh và học vị cho bản thân để cống hiến nhiều hơn cho trường. Cần có biện pháp đánh giá kết quả xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên sau từng giai đoạn thực hiện để đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Thứ ba: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Đổi mới phương pháp đào tạo, bao gồm: đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại, áp dụng các phương pháp đối thoại, đàm thoại... chuyển dần từ phương pháp thông tin một chiều sang thông tin hai chiều bằng trao đổi, đối thoại giữa giảng viên với sinh viên, tổ chức các bài tập tình huống. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo các trường cao đẳng, kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền quản lý và kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Phát huy vai trò chủ động tích cực của bản thân giảng viên.
Triển khai xây dựng khung năng lực giảng viên tại trường cao đẳng đáp ứng yêu cầu mới bao gồm các tiêu chuẩn: phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp, lối sống; kiến thức, năng lực chuyên môn; năng lực sư phạm; nghiên cứu khoa học; hoạt động thực tiễn, hoạt động chính trị - xã hội; phát triển nghề nghiệp, phát triển bản thân.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo thì bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đội ngũ giảng viên và là quyền của nhà giáo, được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nội dung bồi dưỡng cho giảng viên cần tập trung vào các vấn đề sau: bồi dưỡng những vấn đề phát triển mới của chương trình đào tạo; bổ sung tri thức mới cho những ngành cần thiết như cập nhật những vấn đề mới về, chủ trương, chính sách, pháp luật. Bồi dưỡng chuyên môn, là bồi dưỡng cho từng loại hình giảng viên những kiến thức chuyên môn theo chuyên ngành. Căn cứ vào nội dung bồi dưỡng có thể tổ chức cấp trường, mời các chuyên gia về các lĩnh vực với các hình thức: Hội thảo chuyên đề, xêmina khoa học, thông tin khoa học, tập huấn hàng năm; tổ chức hội thảo cấp khoa, sinh hoạt tổ chuyên môn và giảng viên tự học, tự bồi dưỡng...
Thứ tư: Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kế cận, nhất là trình độ chuyên môn thực hành.
Xây dựng được đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đầu đàn và sự kế cận, kế tiếp vững chắc các thế hệ giảng viên nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tạo nên thương hiệu có uy tín của trường cao đẳng. Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đầu đàn là lực lượng đầu tàu về chất lượng, đội ngũ đủ sức đảm nhiệm những nhiệm vụ khó khăn, yêu cầu cao, thúc đẩy sự phát triển của trường. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đầu đàn là đội ngũ luôn đi đầu trong công tác giảng dạy có trình độ năng lực chuyên môn cao, trình độ sư phạm tốt; mẫu mực trong phong cách, phẩm chất đạo đức; đầu đàn về nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, chú trọng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn thực hành cao. Cần có biện pháp ưu ái và nhân rộng các đối tượng giảng viên này vì yêu cầu về khả năng thực hành của sinh viên trường cao đẳng trong tình hình mới là yếu tố hàng đầu.
Thứ năm: Tăng cường đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hoá các phương tiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên. Tăng nguồn đầu tư ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng; đảm bảo cho giảng viên giỏi phát triển tài năng.
Thứ sáu: Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên. Trường phối hợp với nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề về hành chính và các chuyên đề về quản lý cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cần phải xác định nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng, với từng hoạt động trong từng đợt công tác.
Trước tình hình đổi mới giáo dục – đào tạo, cần thiết phải áp dụng tổng thể các giải pháp trên để phát triển đội ngũ giảng viên trường cao đẳng, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Bài viết: TS Đinh Thị Hải Hậu - ThS Trần Thúy Nga
Khoa Tài chính – Kế toán Du lịch