• EnglishVietnamese Laos
     

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 1

Hôm nay 1

Tổng lượt truy cập 12,481

CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC ĐÀO TẠO TẠI CÁC TRƯỜNG NGHỆ THUẬT PHÙ HỢP VỚI LUẬT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ ....

24/10/2017 07:38

      Chuyển đổi hình thức đào tạo tại các trường nghệ thuật  phù  hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp và thực tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. 

      Tất cả các trường nghệ thuật từ trung ương đến địa phương đều mang trong mình sứ mạng cao cả là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực và hội nhập quốc tế; định hướng của Đảng và Nhà nước là hết sức rõ ràng bên cạnh phát triển kinh tế thì đặc biệt phải giữ gìn, bồi đắp, trao truyền lại cho thế hệ sau những di sản văn hóa quý báu đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Với sứ mạng và định hướng ấy trong sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp hiện nay vấn đề đặt ra đối với các trường địa phương là chuyển đổi hình  thức đào tạo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

        Hiện nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, công tác đào tạo nghệ thuật của nhà trường  nói chung và các trường nghệ thuật ở địa phương nói riêng có những thuận lợi, thời cơ đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào thực tiễn đào tạo yêu cầu cấp thiết đặt ra đổi với các nhà trường là chuyển đổi hình thức đào tạo phù hợp. Vậy việc chuyển đổi phải bắt đầu từ đâu? Giải pháp cụ thể là gì?   

I. Thực trạng công tác đào tạo nghệ thuật

        Thực hiện các nội dung của Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đặc biệt đối với Hà Tĩnh có một số loại  hình nghệ thuật  truyền thống đặc sắc trong đó nổi bật nhất chính là dân ca Ví Giặm. Đây là loại hình nghệ thuật đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  và hiện tại ngày càng được phổ biến, nhân rộng, tạo nên sức hút ngày càng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Hà Tĩnh được xem là cái nôi của  loại hình nghệ thuật ca trù, sân khấu ca kịch (kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh).  Điều này đã đặt lên vai những người làm công tác quản lý và đào tạo của trường một trách nhiệm khá nặng nề là: Làm sao để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý và hiếm  trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay?.

    1. Thuận lợi

       Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc chấn hưng, bảo tồn và phục hồi nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là  từ khi Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức văn hóa giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của  nhân loại (27/11/2004), các loại hình nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã dần được phục hồi và từng bước phát triển, các loại hình nghệ thuật hiện đại đã xâm nhập sâu vào đời sống xã hội và có những tác động tích cực. Hiện nay, tỉnh  đang đầu tư mạnh nhiều lĩnh vực nhằm để phát triển toàn diện về văn hóa, du lịch, dịch vụ... đây là một thời cơ, vận hội rất lớn cho nhà trường trong xây dựng chiến lược phát triển.

           2. Khó khăn 

          Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời nhằm đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, tuy vậy nó cũng sớm bộc lộ những bất cập trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với khối các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật. Khoản 1 điều 3 của luật nêu rõ: “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên”, theo đó tất cả các trường có đào tạo trình độ cao đẳng trở xuống đều thuộc hệ thống này và đương nhiên là các nguyên tắc xây dựng chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp vào lĩnh vực đào tạo nghệ thuật ở các trường địa phương đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc và cả những bất cập.

             Thứ nhất: quy định về chương trình đào tạo và đối tượng tuyển sinh chúng ta đã nhận thấy rất nhiều bất cập so với hệ thống chương trình đào tạo và đối tượng tuyển sinh truyền thống  Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông. Trong khi đó khung thời gian đào tạo các ngành nghệ thuật theo chương trình khung mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cùng trình độ  có những ngành từ 7-9 năm thậm chí 11 năm. Đào tạo nghệ thuật mang tính đặc thù cao cần một quá trình rất dài để học tập, trau dồi. Thời gian để đào tạo nghệ thuật đúng nghĩa không thể đủ, chưa kể là nghệ thuật đỉnh cao. Theo quy định mới thời gian đào tạo như thế là quá ngắn và phổ tuyển sinh là quá hẹp, không thể đào tạo nghệ thuật theo con đường “ươm mầm” để có những tài năng thưc sự.

          Thứ hai: Thực tế  hầu hết các trường nghệ thuật ở địa phương đều tổ chức đào tạo giáo viên nhạc họa nhằm duy trì về quy mô và cân đối, bù đắp ngân sách để có thể triển khai đào tạo chuyên ngành. Tuy nhiên, các trường cao đẳng không được đào tạo trình độ sư phạm, vì vậy việc tuyển sinh lại càng gặp khó khăn.

Thứ ba:  Đào tạo chuyên ngành nghệ thuật ở các trường chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm một cách thỏa đáng, thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù.  

Thứ tư: Do khó khăn trong công tác tuyển sinh ở nhiều chuyên ngành như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Hội họa …vì vậy,  cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo nghệ thuật không biết sử dụng vào đâu, gây ra một sự lãng phí lớn về nguồn lực con người và tài chính. Công tác tuyển sinh, đào tạo hạt nhân các phong trào nghệ thuật cơ sở, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng hạn hẹp do định hướng giá trị nghệ thuật và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của xã hội phần nào có chiều hướng xuống cấp, phai mờ thậm chí có cả sự lệch lạc. Ngược lại, một bộ phận dân cư có điều kiện kinh tế có nhu cầu cho con cái được phát triển toàn diện kỹ năng mềm như âm nhạc, hội họa, múa thì việc tổ  chức dạy học và cấp phát văn bằng lại khó khăn do các em không thuộc đối tượng tuyển sinh theo quy định.

        Thứ năm:  Lợi thế cạnh tranh của cá trường địa phương là loại hình nghệ thuật truyền thống, tuy nhiên trong thời kỳ  hội nhập và phát triển như hiện nay, đại đa số lớp trẻ không mặn mà gì với nghệ thuật truyền thống, hầu như các bạn trẻ chỉ nghĩ đến âm nhạc và các loại hình nghệ thuật giải trí khác, điều này gây không ít khó khăn cho những đơn vị đào tạo văn hóa nghệ thuật.Việc xã hội hóa công tác đào tạo âm nhạc truyền thống hiện nay tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, đặc biệt là ở các địa phương, khó có điều kiện hấp dẫn để thu hút thí sinh đến tuyển sinh. Vấn đề đầu ra cho các em là rất hạn chế, điều này cần có sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành mà đặc biệt là Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thoáng hơn trong công tác tuyển dụng cán bộ (cần có sự ưu tiên cho nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống về bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ).

        Thứ sáu: Chi phí đào tạo quá thấp do mức thu  học phí thấp và kinh phí cấp bù của các trường địa phương quá thấp. Trang thiết bị đầu tư cho giảng dạy và học tập còn chưa thỏa đảng, chưa bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ hiện đại. Đời sống giảng viên gặp nhiều khó khăn, nhiều giảng viên có trình độ tay nghề cao bỏ việc cũng khiến cho hoạt động chuyên môn của nhà trường thiếu tính ổn định.

          II. Giải pháp

1.Tích cực chuyển hướng đào tạo, một mặt xây dựng lại hệ thống chương trình, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật thích ứng được với nhu cầu xã hội ngày càng khắt khe và năng động; một mặt tích cực tham mưu với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh khung thời gian đào đào tạo đối với những ngành nghề mang tính đặc thù cao như lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm hướng công tác đào tạo đi theo con đường chuyên sâu.

2. Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên bởi con người là nhân tố quyết định. Chúng ta có chương trình hiện đại, trang thiết bị đào tạo chính quy nhưng hơn tất cả  rất  cần những trái tim có đủ năng lực để vận hành những yếu tố đó.

3. Tập trung đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các di sản đã được công nhận. Vì vậy vấn đề nghiên cứu chính sách và đầu ra cho người học ở lĩnh vực này cũng cần được quan tâm đúng mức, phân bổ ngân sách cần thỏa đáng hơn nữa và trực tiếp giao về cho cơ sở đào tạo.

4. Lấy đào tạo nâng cao dân trí làm cứu cánh cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lấy đào tạo nhân lực chất lượng cao làm điểm nhấn, động lực để thu hút đào tạo nâng cao dân trí.

5. Ở cấp vĩ mô các Bộ, Ban, ngành cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đối với lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật tạo cơ hội tuyển sinh và đào tạo cho các trường địa phương; củng cố lại hệ thống các trường nghệ thuật từ trung ương đến địa phương và có chính sách khuyến khích phát triển cho các nhà trường.

6. Có chính sách dài hơi về việc xây dựng liên kết mạng lưới các trường nghệ thuật, tránh tình trạng liên kết tự phát như hiện nay, biến các chủ trương của các trường nghệ thuật thành một khối thống nhất. Hiện nay Bộ vẫn chưa tham mưu được chính sách đặc thù khi sáp nhập vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho các trường đào tạo nghệ thuật, chưa có chủ trương và giải pháp đi kèm mang tính sống còn của loại hình đào tạo này. Đào tạo hiện tại theo Luật giáo dục nghề nghiệp chỉ dừng lại ở việc nâng cao dân trí chứ chưa tạo ra tiếng nói nghề nghiệp rõ ràng, đào tạo theo kiểu này có chăng chỉ giải quyết vấn đề kế mưu sinh chứ chưa thể tạo ra nguồn lực đủ mạnh để có thể ảnh hướng, tác động thậm chí là điều chỉnh chi phối xã hội.

Với xu thế tự chủ về mọi mặt thì giáo dục nghề nghiệp thực sự bước vào cơ chế thị trường mà quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật giá trị. Sản phẩm sáng tạo văn hoá nghệ thuật cũng được coi là một sản phẩm hàng hoá ở dạng đặc thù, người sản xuất ra nó đương nhiên cũng là những thành phần lao động đặc thù. Điều quan trọng quyết định đến giá trị sản phẩm chính là chất lượng, để đạt điều đó, rất cần có tài năng, năng lực sáng tạo thực sự. Và đây chính là thách thức đối với tất cả các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước nhằm cung cấp cho xã hội đội ngũ những cán bộ văn hoá, những nghệ sĩ tài giỏi hoạt động trên các lĩnh vực. Các nhà trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đặc biệt là các trường địa phương muốn xác lập được vị trí trên bản đồ đào tạo không có con đường nào khác là tích cực chuyển đổi phương thức đào tạo và tiếp tục nâng chuẩn về mọi mặt.

                                                                   Ths Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa,Thể thao và Du lịch Nguyễn Du